“Nỗi buồn chiến tranh” – Hành trình lắng đọng cảm xúc của Chu Nguyễn Anh Quân (12A10)

28/04/2025 10:22

Hưởng ứng “Ngày hội đọc sách” do Trường THPT Nguyễn Trãi phối hợp cùng Công ty VDOC tổ chức, thầy cô và học sinh toàn trường đã cùng nhau tạo nên một không khí học tập sôi nổi và đầy ý nghĩa. Thông qua chuỗi hoạt động phong phú, chương trình không chỉ lan tỏa tình yêu với sách mà còn trở thành nhịp cầu kết nối tri thức, nuôi dưỡng tâm hồn và khơi dậy niềm tự hào về quê hương, đất nước.

Mỗi trang sách được mở ra là một hành trình để các em học sinh gửi gắm góc nhìn riêng, cảm xúc chân thành và những suy nghĩ sâu sắc của mình.

Tiếp nối những bài dự thi đầy cảm xúc, Ban Tổ chức xin trân trọng giới thiệu bài dự thi với chủ đề "Nêu cảm nhận về cuốn sách tâm đắc". Trong bài viết này, học sinh Chu Nguyễn Anh Quân, lớp 12A10, đã lựa chọn cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Nỗi buồn chiến tranh” của tác giả Bảo Ninh — một tác phẩm sâu sắc về thân phận con người trong chiến tranh. Với góc nhìn tinh tế, cảm xúc chân thành và những suy tư lắng đọng, Anh Quân đã thể hiện được sự đồng cảm sâu sắc với những mất mát, khát vọng và nỗi niềm của thế hệ đi qua cuộc chiến, qua đó truyền tải thông điệp nhân văn mạnh mẽ đến người đọc.

Sau đây là bài dự thi của em:

Lời chào … 

Những ngày tháng Tư lịch sử, khắp đất nước vang lên khúc ca bất tận về lòng yêu nước và khát vọng tự do. Những tràng pháo tay vang vọng khi đoàn xe diễu binh lăn bánh qua phố, những ánh mắt rưng rưng dõi theo cờ đỏ sao vàng được vẽ lên trên nền trời xanh thẳm. 50 năm đã trôi qua kể từ ngày hòa bình được lập lại, mỗi bước chân hôm nay đều in bóng những hy sinh thầm lặng thuở nào, để hôm nay, chúng ta có thể tự hào nhìn về phía trước, sống trong một đất nước hòa bình và tự do.

Thế nhưng, giữa những khoảnh khắc thiêng liêng ấy, lòng em vẫn không khỏi lắng lại khi nhớ về một chặng đường dài phía sau. Hành trình để đi đến tự do hôm nay đâu chỉ là những chiến công, mà còn là dấu chân của biết bao con người – những người đã mãi mãi nằm lại ở tuổi đôi mươi. Và chính trong những cảm xúc đan xen ấy, em tìm đến cuốn sách Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh – một cuốn sách không phải để kể lại chiến thắng, mà để chúng ta hiểu rõ hơn về cái giá của hòa bình.

Nếu lịch sử là những bản anh hùng ca, thì cuốn tiểu thuyết này là khúc trầm kéo dài giữa những giai điệu rộn ràng ấy. Nhân vật Kiên – một người lính trở về từ chiến tranh – không mang vẻ ngoài rực rỡ của người chiến thắng. Anh là hiện thân của những vết thương không thể chữa lành, của những đêm dài vật vã với ký ức, của một tình yêu dang dở bị bóp nghẹt giữa lằn ranh sự sống và cái chết.

Chiến tranh qua ngòi bút Bảo Ninh không phải là cuộc đấu súng giữa hai chiến tuyến, mà là cuộc chiến trong tâm hồn một người lính, kéo dài mãi ngay cả khi bom đạn đã ngừng rơi. Nó là một cơn mưa không dứt, dai dẳng và lạnh lẽo, xóa nhòa ranh giới giữa sự sống và cái chết, giữa tình yêu và nỗi đau.

Có một điều em cảm nhận rõ sau từng trang sách: những người lính như Kiên không đơn thuần là người đi đánh giặc. Họ là những người gác lại tuổi trẻ, gác lại mơ ước, tình yêu, tương lai riêng để viết tiếp ước mơ độc lập cho cả dân tộc. Có người trở về, mang trên người đầy thương tích. Có người không bao giờ quay lại, mãi mãi kẹt trong những cánh rừng Trường Sơn, hay dưới lòng sông sâu. Họ đã hy sinh để thế hệ sau – như chúng ta hôm nay – được sống trong hòa bình, được mỉm cười và tự hào khi ngước nhìn lá cờ bay trên bầu trời xanh.

Trong cuốn sách, có một cảnh khiến em không thể quên. Kiên nhớ lại khoảnh khắc khi anh cùng đồng đội đi qua cánh đồng đầy xác chết của những người lính đã hy sinh. Khung cảnh đó như một lời nhắc nhở thế hệ trẻ chúng ta về sự hy sinh anh dũng. Họ là những thanh thiếu niên mười tám, là những người mẹ tần tảo, là những chị em tuổi xuân thì. Nhưng vì tiếng gọi của tổ quốc, họ đã vĩnh viễn nằm xuống nơi cánh đồng ấy. Nhưng với chúng ta, họ không hề chết đi, mà chỉ là hòa mình làm một với tổ quốc. Họ không hề mất đi, mà đã hóa thân thành những hạt mầm bất tử, âm thầm gieo xuống đất mẹ để một ngày kia, giấc mơ hòa bình nở rộ thành muôn vàn đóa hoa tự do. Nhờ vậy mà hôm nay, những thế hệ sinh ra trong hòa bình mới có thể nhẹ bước “gặt trên cánh đồng cổ tích… lúa chín rực bàng hoàng những triền sông."

Em từng nghĩ lòng yêu nước là những điều lớn lao – nhưng sau khi đọc Nỗi buồn chiến tranh, em hiểu rằng, yêu nước là dám buông bỏ chính mình vì người khác. Là dám chịu đau, chịu mất mát, chỉ để một ngày nào đó – như hôm nay – chúng ta có thể hát Quốc ca với nụ cười trên môi.

Nếu ngày 30/4 là một bản tuyên ngôn vĩ đại của hòa bình, thì Nỗi buồn chiến tranh chính là lời nhắc nhở rằng: không có tự do nào là miễn phí. Mỗi đoạn kết đẹp đều được viết nên bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu thịt của cha anh.

Cuốn sách Nỗi buồn chiến tranh không chỉ là văn chương. Nó là một đài tưởng niệm bằng con chữ. Một lời thầm thì gửi tới những người đã khuất – rằng chúng tôi chưa từng quên. Và cũng là lời nhắn gửi đến thế hệ hôm nay “Tự do, hòa bình không phải dễ. Có được bây giờ, cố gắng mà giữ”. Chúng ta hãy sống và gìn giữ vì một thế giới HÒA BÌNH.

Chu Nguyễn Anh Quân - 12A10